Chuẩn kết nối HDMI 2.0 vừa ra mắt có nhiều thay đổi đáng kể so với phiên bản 1.4 hiện nay, nổi bật nhất là hỗ trợ khả năng phát video độ phân giải siêu nét 4K cùng với băng thông dung lượng lên đến 18 Gbps.

Panasonic Viera WT600 65 inch, mẫu TV đầu tiên trên thế giới sở hữu cổng kết nối HDMI 2.0.

Kết nối HDMI (High-Definition Multimedia Interface) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2002, nhằm thay thế cho kết nối SCART khá cồng kềnh và cũ kỹ trước đó. Cho đến nay, HDMI đã được nâng cấp lần thứ năm với phiên bản mới nhất là 2.0 được trình làng tại Triển lãm IFA 2013 đầu tháng 9 năm nay bởi tổ chức HDMI Forum. Đây là bản nâng cấp của phiên bản HDMI 1.4 ra mắt hồi năm 2009 và nhằm đáp ứng xu hướng trình chiếu video độ phân giải 4K UHD (Ultra HD) ngày càng được ưa chuộng cùng khả năng phát trên hệ thống âm thanh đa kênh lên đến 32 kênh, so với HDMI 1.4 hiện chỉ hỗ trợ 8 kênh.

Cách đây vài năm, khi định dạng video Full HD trở thành xu hướng phổ biến thì chuẩn HDMI 1.4 đã hỗ trợ rất tốt cho độ phân giải này. Tuy nhiên, định dạng Ultra HD xuất hiện trong khoảng một năm trở lại đây thì HDMI 1.4 có vẻ trở nên quá tải. Khi xu hướng ngành công nghiệp TV đang dần chuyển sang trào lưu 4K UHD, rõ ràng các thiết bị này cần phải được kết nối bằng loại cáp có băng thông cao hơn để xử lý độ phân giải siêu nét cũng như tần số quét ngày càng cao. Chuẩn HDMI 2.0 đã ra đời và hỗ trợ độ phân giải 4K 2160p với tốc độ khung hình lên đến 60 khung hình/giây (fps). Chuẩn này cho phép trình chiếu định dạng 4K 3D cũng như các nội dung 2D có tần số quét cao, chẳng hạn như video gia đình hay game máy tính. Do hầu hết phim hiện nay đều được quay ở tốc độ 24 fps, sự cải tiến chuẩn HDMI 2.0 sẽ ít ảnh hưởng đến thể loại phim thông thường hay các chương trình TV.

Điều quan trọng nhất mà chuẩn HDMI 2.0 mang lại là sự nâng cấp về băng thông. HDMI phiên bản 1.4 có băng thông 10,2Gbps, chỉ đủ để hỗ trợ độ phân giải 4K 3.840 x 2.160 pixel ở tần số 24, 25 và 30Hz hay độ phân giải Full 4K 4.096 x 2.160 pixel ở tần số 24Hz. Tuy nhiên, chuẩn kết nối này lại không hỗ trợ các tần số 50/60Hz mà các chương trình TV 4K hay các game Ultra HD tương lai đòi hỏi. HDMI 2.0 ra đời với băng thông được nâng lên đến 18Gbps, cao hơn gần gấp đôi so với băng thông của HDMI 1.4. Bên cạnh đó, phiên bản chuẩn kết nối mới này cũng có thể sẽ có tần số quét cao hơn ở độ phân giải siêu nét 4K. Ngoài ra, so với HDMI 1.4 chỉ hỗ trợ 8-bit màu ở độ phân giải 4K, HDMI 2.0 cung cấp độ sâu màu từ 10 đến 12-bit ở độ phân giải Ultra HD.

HDMI 2.0 cũng hỗ trợ truyền video hai kênh cùng lúc, do đó người dùng có thể xem 2 chương trình Full HD đồng thời trên cùng một màn hình. Cả hai hãng TV Samsung và LG hiện đã có những model hỗ trợ công nghệ hiển thị này, chẳng hạn như mẫu TV OLED Samsung KN55S9C với tính năng MultiView. Chuẩn kết nối mới này còn hỗ trợ tỉ lệ 21:9, vốn là tỉ lệ màn hình rộng khá hấp dẫn nhưng chưa thực sự phổ biến hiện nay.

HDMI 2.0 tương thích ngược với các đặc tả HDMI phiên bản trước.

Một số người dùng hiện vẫn bối rối liệu có cần phải mua cáp kết nối mới để sử dụng các thiết bị HDMI 2.0. Câu trả lời là không cần. Theo Tổ chức HDMI.org, đặc tả phiên bản HDMI 2.0 không định nghĩa một loại cáp mới hay đầu kết nối kiểu mới. Chúng vẫn sử dụng cùng kiểu đầu kết nối 19 chân như hiện nay. Các loại cáp HDMI tốc độ cao hiện nay đều có thể xử lý băng thông được nâng cao của phiên bản 2.0. Hay nói cách khác, HDMI 2.0 tương thích ngược với các đặc tả HDMI phiên bản trước. HDMI 2.0 cũng như phiên bản 1.4 trước đó có thiết kế phần cứng hoàn toàn thay đổi chứ không thay đổi về cáp kết nối.

Và liệu các sản phẩm HDMI 1.4 như các mẫu TV 4K hiện nay có thể sẽ trở nên vô dụng hay cần phải tải và cập nhật bản nâng cấp firmware mới nhất để có thể sử dụng với các thiết bị HDMI 2.0? May mắn là HDMI 2.0 vẫn tương thích ngược với các thiết bị HDMI 1.4. Bởi vì đặc tả và băng thông đều nằm trên chip phần cứng HDMI bên trong thiết bị, nên việc nâng cấp và làm cho những chip này phải thực thi nhiều tác vụ hơn so với thiết kế ban đầu dường như là một thử thách. Tổ chức HDMI Licensing không cho biết là việc nâng cấp này có thể thực hiện được hay không, mà chỉ khuyến cáo người dùng nên liên hệ với hãng sản xuất. Hiện nay, việc nâng cấp này còn tùy thuộc vào nhà sản xuất, cần nâng cấp phần cứng hay chỉ nâng cấp firmware.

Tại Triển lãm IFA 2013 vừa qua, Panasonic đã trình làng model TV 4K UHD Viera WT600 65 inch, là mẫu TV đầu tiên trên thế giới sở hữu cổng kết nối HDMI 2.0. Dự kiến, tất cả những sản phẩm 4K ra mắt trong năm 2014 sẽ đều được trang bị chuẩn cổng giao tiếp này.
Hãng Sony cho biết, các sản phẩm của họ cần phải thực hiện quá trình cập nhật. Hãng TV của Nhật Bản này hứa hẹn các model TV 4K UHD 55 inch và 65 inch ra mắt trong năm nay của họ sẽ nhận được bản nâng cấp firmware để cập nhật lên HDMI 2.0. Các chuyên gia công nghệ nhận định, nếu nâng cấp firmware thì nhiều khả năng người dùng chỉ cần tải bản cập nhật từ Internet và chạy một cách dễ dàng.

Samsung đã ra mắt một hộp kết nối với tên gọi là OneConnect, sử dụng cổng tín hiệu vào HDMI phiên bản 1.4 cùng các loại cổng khác để kết nối với các model TV 4K tương lai của họ. Hộp kết nối gắn ngoài này có thể truyền mọi nguồn tín hiệu đến TV Samsung chỉ bằng một sợi cáp duy nhất. Samsung cho biết, thiết bị Evolution Kit thế hệ mới của hãng sẽ được nâng cấp để có thể kết nối với hộp OneConnect và dĩ nhiên cũng được trang bị cổng vào HDMI 2.0 mới.

Trong khi đó, các hãng sản xuất TV khác như Toshiba, Sharp và LG đến giờ vẫn chưa công bố về kế hoạch nâng cấp các model sản phẩm của họ cho chuẩn kết nối HDMI 2.0 mới. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng nhu cầu trình chiếu nội dung 4K thì các nhà sản xuất này chắc chắn phải cung cấp một số cách để cập nhật lên phiên bản HDMI mới này.